QUY TRÌNH SƠN LẠI NHÀ ĐÚNG KỸ THUẬT
QUY TRÌNH SƠN LẠI NHÀ ĐÚNG KỸ THUẬT
Nếu như sơn một ngôi nhà mới, chúng ta chỉ cần đợi lớp tường khô là có thể sơn ngay thì sơn tường cũ lại kỳ công hơn rất nhiều khi phải trải qua công đoạn xử lý bề mặt của tường cũ sao cho nhẵn rồi mới tiến hành sơn mới. Công đoạn xử lý bề mặt tường cũ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định chất lượng bề mặt lớp sơn cũng như độ bám của sơn. Do đó, các bạn nên tuân thủ theo quy trình chuẩn dưới đây để tránh việc sơn không đúng kỹ thuật, lớp sơn mới nhanh bóng tróc, hư hỏng:
Bước 1: Xử lý bề mặt tường cũ
Trước khi bắt đầu sơn lại nhà cũ việc đầu tiên mà chúng ta phải làm đó là xử lý bề mặt tường cũ trước. Việc này sẽ giúp cho công đoạn sơn mới bám dính tốt hơn cũng như lên màu sơn đẹp hơn.
Cách xử lý bề mặt tường cũ như sau:
– Nếu bề mặt sơn cũ không còn khả năng bám dính thì các bạn hãy loại bỏ toàn bộ lớp sơn cũ bằng bàn chải sắt hoặc cây sủi, có như vậy thì lớp sơn mới mới có thể bám vào tường. Tiếp theo là vệ sinh sạch sẽ bề mặt rồi mới trát bột, phủ lớp sơn lót, sau đó mới sơn hoàn thiện.
– Nếu bề mặt sơn cũ vẫn còn khả năng bám dính thì chúng ta chỉ cần vệ sinh tường thật sạch loại bỏ bụi bặm, mạng nhện,… Sau đó phủ một lớp sơn lót kháng kiềm, tiếp theo phủ 2 lớp màu để hoàn thiện.
– Để biết được lớp sơn cũ có bám dính được nữa hay không thì các bạn có thể kiểm tra bằng cách: Sử dụng băng keo giấy có độ rộng khoảng 1cm dán lên tường khoảng 20cm rồi bóc lớp băng keo ra. Nếu thấy lớp sơn cũ tróc ít hoặc không tróc thì chứng tỏ độ bám dính vẫn còn tốt. Còn nếu lớp tường bị tróc ra nhiều đồng nghĩa với việc lớp sơn cũ đã không còn độ bám dính nữa. Khí ấy, bạn cần xử lý lớp sơn cũ này sạch sẽ rồi mới tiến hành sơn.
Quy trình sơn lại tường nhà chuẩn kỹ thuật
Bước 2: Tiến hành sơn mới
Công đoạn Chuẩn bị
– Trong công đoạn này, các bạn cần phải chuẩn bị các loại dụng cụ cần thiết phục vụ cho quá trình sơn mới tường như: Thùng sơn, giấy nhám, con lăn, cọ quét,… Những vật dụng này, các bạn có thể mua cùng lúc với nước sơn để tránh mua sót, gây khó khăn cho quá trình thi công.
– Sau khi đã xử lý bề mặt tường cũ theo đúng kỹ thuật như ở trên thì bạn cũng cần kiểm tra lại để đảm bảo trước khi sơn lại tường phải khô thoáng, sạch sẽ.
Công đoạn quét sơn lên tường
Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng thì chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc sơn tường:
● Sơn lót: Các bạn sử dụng con lăn hoặc chổi quét để sơn lên bề mặt tường 1 đến 2 lớp sơn lót kháng kiềm.
● Sơn phủ: Ở bước này chúng ta sẽ sử dụng con lăn hoặc chổi để phủ 2 lớp sơn màu lên tường.
Lưu ý: Vì bề mặt tường cũ, yếu nên khả năng bám dính cũng như lên màu sơn cũng hạn chế do đó khi sơn lại tường nhà thì mọi người nên tìm hiểu kỹ về các thương hiệu sơn và nên chọn các hãng sơn chất lượng để lớp sơn khi hoàn thiện đẹp và có thời gian sử dụng lâu hơn, tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Khi đã hoàn tất quá trình sơn, các bạn hãy sử dụng bóng đèn để rọi vào tường quan sát. Nếu thấy lớp sơn phủ đều, trên tường không còn các vết nứt, cũng không còn xuất hiện các vết sơn, bề mặt tường bóng, sáng đều chứng tỏ bề mặt đã đạt tiêu chuẩn. Bạn có thể tiến hành bước tiếp theo.
Bước 3: Vệ sinh sạch sẽ bề mặt tường sau khi sơn
Sau khi đã hoàn thành các bước sơn, bước cuối cùng đó chính là vệ sinh bề mặt tường sạch sẽ, cũng như thu dọn các dụng cụ phục vụ cho quá trình sơn nhà rồi mới đưa vào sử dụng.
Quy trình sơn lại nhà cũ trên đây có thể áp dụng được đối với cả tường nội thất và tường ngoại thất. Đối với tường ngoại thất thì các bạn có thể phủ 3 lớp sơn hoàn thiện để bề mặt đẹp và tăng hiệu quả bảo vệ tường tốt hơn.